Bộ phim Thor: Tình yêu và Sấm sét công chiếu sớm vào ngày 7/7 vừa qua đã nhận được nhiều nhận xét trái chiều đến từ phía khán giả và các nhà phê bình. Đặc biệt, mọi người dường như tỏ ra khá hứng thú với nội dung after-credit của phim, được dự đoán rằng sẽ có sự xuất hiện của Hercules, con trai Zeus, do Henry Cavill thủ vai.. Vậy Hercules trong Marvel là nhân vật như thế nào mà tất thảy mọi người đều mong ngóng?
- Xem thêm: Thor Love and Thunder: Con gái của Gorr và chú Thor là ai và sức mạnh của cô bé là gì?
Hercules trong Thần thoại Hy Lạp
Tương truyền, thần Zeus đã nhận được lời phán truyền của các Nữ thần Số Mệnh rằng đỉnh Olympus sẽ bị xâm lăng bởi những Gigantos, và chỉ có một người hùng kiệt xuất từ trần gian mới giúp được. Zeus quyết định xuống trần, giả làm Amphitryon – vị tướng thống lĩnh thành Thebes rồi ăn nằm với vợ ông là Alcmene. Sau này, Alcmene có thai và sinh đôi: Con trai của Amphitryon là Iphicles và con trai của Zeus là Hecrales, nhưng lúc này cậu bé có tên là Alcides.
Alcmene và Amphitryon trong phim The Legend of Hecules 2014
Khi biết đến sự tồn tại của Alcides, Hera – vợ thần Zeus – đã nổi cơn ghen, tìm cách bắt thần Zeus hứa sẽ trao ngôi báu xứ Mycenae cho một hậu duệ thuộc dòng dõi anh hùng Perseus. Sau đó, bà ta sai nữ thần Ilithi chuyên phụ trách việc sinh nở xuống trần gian đẩy nhanh việc sinh nở của hoàng hậu thuộc xứ Mycenae, khiến bà sinh ra Eurystheus, người sẽ đày đọa Hercules trong 12 năm sau này, nhưng cũng góp phần gián tiếp tạo nên 12 chiến công hiển hách cho người hùng.
Lo sợ về sự trả thù của Hera, Alcmene quyết định bỏ Alcides bên ngoài thành, và chính Hera cùng với Athena vô tình tìm thấy. Không nhận ra Alcides, Hera để cậu bé bú sữa của mình vì thương hại, nhưng cậu bú quá mạnh khiến bà ta bị đau và đẩy cậu ra. Sữa của Hera văng ra khắp bầu trời và tạo thành Dải Ngân hà. Với dòng sữa thần thánh, Alcides có được sức mạnh siêu nhiên và sự bất tử, được Zeus đổi tên thành Hecrales, có nghĩa là “Vinh quang của Hera”.
Athena mang Hecrales trả về cho cha mẹ của cậu dưới trần. Để trả đũa, Hera liền sai 2 con rắn xuống tấn công Hecrales và Iphicles, nhưng Hecrales dễ dàng bóp chết chúng, và chơi với chúng như món đồ chơi của mình. Kinh ngạc trước điều này, Amphitryon đã tìm đến nhà tiên tri Tiresias, và ông dự đoán một tương lai khó khăn mà Hecrales phải đối mặt, khẳng định cậu bé sẽ tiêu diệt rất nhiều con quái vật.
Khi trưởng thành, nhờ sự huấn luyện của cha nuôi mà Herakles ngày càng trở nên hùng mạnh, bắt đầu con đường trở thành người hùng vĩ đại nhất mọi thời đại. Anh đã tiêu diệt một con sư tử vùng Chiteron sau 50 ngày chiến đấu ác liệt, và hỗ trợ thành Thebes chiến thắng quân xâm lược, đánh dấu hai chiến công lớn đầu tiên. Điều này khiến vua Thebes nể phục và cho anh kết hôn với con gái mình là công chúa Megara. Nhưng bi kịch của Hecrales chỉ mới bắt đầu.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về thời điểm và bối cảnh thực hiện 12 kỳ công của Hecrales. Trong đó, một truyền thuyết thì cho rằng thần Zeus bắt nữ thần Hera hứa rằng nếu Hecrales đạt được 12 chiến công vĩ đại trong lúc phục vụ cho Eurystheus, anh ta sẽ trở thành bất tử. Trong vở kịch Hekrales của Euripides, Hecrales đã bị Hera làm cho phát điên và ra tay sát hại các con của mình sau khi hoàn thành 12 chiến công.
Ngoài ra, còn có truyền thuyết cho rằng trong lúc Hecrales vắng mặt, gã Lycus của xứ Euboea đã lật lọng vì cho rằng anh đã không thể sống sót trong kỳ công thứ 12 – bắt con chó Cerberus dưới địa ngục. Hắn ta lập tức chiếm quyền kiểm soát Thebes, hành quyết cả gia đình Herakles gồm vua Creon (cha vợ), công chúa Megara (vợ) cùng ba người con trai. Khi trở về, vì quá giận dữ mà Hecrales đã cho cả nhà Lycus ngửi mùi đất để báo thù
Tuy nhiên, bạn bè của Hecrales, kể cả Theseus (á thần, con trai của Poseidon) thì tin rằng Hera hẳn đã đặt lời nguyền cuồng nộ nào đó lên anh. Hối hận vì mất tự chủ, Hecrales không giải thích gì với họ, mà lặng lẽ đổi tên mình thành Hercules để tạo khoảng cách với Hera và cuộc đời anh. Trong khi đó, nhân loại tin rằng chính Hera đã thao túng tâm trí Hecrales, hại cả gia đình anh, rồi anh mới phải thực hiện 12 kỳ công nhằm chuộc lỗi.